Nioh PS4

Còn hàng

530.000₫ 800.000₫

NIOH – Quỷ Kiếm Đoạt Mệnh
  • Sản xuất: Team Ninja
  • Phát hành: Koei Tecmo
  • Thể loại: Hành động
  • Ngày ra mắt: 2016
  • Hệ máy: PS4
  • 12 năm chờ đợi, trải qua bao đổi thay thậm chí tưởng như… biến mất luôn khỏi cuộc chơi, cuối cùng tựa game hành động nhập vai chặt chém mới nhất đến từ Koei Tecmo và Team Ninja – Nioh, đã cho ra mắt bản demo của mình thật ấn tượng và cũng thật… giống phong cách dòng game Souls của FromSoftware (mà phiên bản mới nhất – Dark Souls III, vẫn đang “làm mưa, làm gió” ở thời điểm thực hiện bài viết này – NV).
  • Đây không phải lần đầu tiên dòng game Souls có sự cạnh tranh. Ngoài phiên bản Bloodborne được làm riêng cho Sony (cũng do chính tay FromSoftware thực hiện), ta có thể kể đến Lords of the Fallen từ studio CI Games (mà khi ra mắt, game đã bẩy cho thành công của studio bay thật cao sau bao tháng ngày “lận đận”) và nay là Nioh.
  • Nioh, không ngần ngại cất công học theo “công thức” tất thắng của dòng game Souls, và kết quả là?
NHẬT BẢN THỜI CHIẾN QUỐC
  • Đã bao lâu rồi những người mê game hành động chặt chém không biết đến “mùi vị” Samurai của Nhật Bản thời xa xưa? Có lẽ, lần cuối cùng là khi phiên bản Onimusha: Dawn of Dreams ra mắt cách đây đúng một thập niên (2006). Và kể từ đó, những võ sĩ đạo của giới game dần lui vào bóng tối…
  • Nioh, ngay khi tung trailer, đã mang đến một sự hào hứng khó tả với các game thủ. Không chỉ gợi lại hình bóng của Onimusha ngày nào, Nioh còn mang đến cảm giác phấn khích khi tái hiện phong cảnh nước Nhật thời Trung cổ.
"Không chỉ gợi lại hình bóng của Onimusha ngày nào, Nioh còn mang đến cảm giác phấn khích khi tái hiện phong cảnh nước Nhật thời Trung cổ"
  • Câu chuyện game xoay quanh nhân vật William (có tạo hình rất giống… thợ săn quỷ Geralt của The Witcher 3), con trai của một lãnh chúa Nhật và một phụ nữ Tây phương, diễn ra vào thời Chiến Quốc, thế kỷ 17 ở xứ Phù Tang xa xôi.
  • Trong bản demo, người chơi sẽ khám phá làng chài ven biển và chạm trán không chỉ bọn kiếm khách vô chủ (ronin), các nhẫn giả (ninja) mà còn những sinh vật kỳ lạ của bóng đêm: quỷ hai sừng song đao lấy mạng trong chớp mắt, khổng lồ một mắt với cú đấm ngàn cân, xác sống biết quăng… lựu đạn, v.v.
PHONG CÁCH CHIẾN ĐẤU ĐẬM NÉT “SOULS” VÀ… TEAM NINJA
  • Bạn biết rồi đấy, phong cách dòng game Souls là đánh nhau phải hết sức cẩn trọng trong từng đường gươm, lưỡi giáo! Không thể cứ xáp vô là “tấp” đối thủ lia lịa và dễ dàng được, vì vậy dù chỉ là tên lính quèn thôi cũng đủ làm khó dễ người chơi rồi.
  • Nioh cũng học “công thức” này và chế biến lại theo “khẩu vị” của mình.
  • Vẫn áp dụng cơ chế ra đòn tiêu hao thể lực (trong game gọi là “Ki”) nhưng bạn sẽ được đánh nhiều nhịp hơn trong Nioh, cụ thể là ba tới bốn đòn trước khi lăn né (thay vì chỉ một hoặc hai đòn cho dòng game Souls).
  • Việc phản đòn cũng dễ thở và thoải mái hơn: nếu phản đòn đúng lúc, sẽ tiêu hao thể lực đối thủ và có thể ra tay đoạt mạng y trong chớp mắt, ngược lại, chỉ cần nhấn nút đỡ trong lúc chờ hồi “ki” là cũng đủ an toàn!
  • Cảm giác giao chiến cũng như va chạm vũ khí tay đôi rất đã, nhịp độ nhanh hơn, hao hao giống phong cách Ninja Gaiden: mạnh mẽ, tàn bạo và máu lửa! Tiếng binh khí va chạm đinh tai, luồng tử khí rít mạnh khi lưỡi búa vụt qua, ánh chớp sinh tử trong nháy mắt của kiếm Nhật xẻ vào giáp ngọt như chặt mía…
"Cảm giác giao chiến cũng như va chạm vũ khí tay đôi rất đã, nhịp độ nhanh hơn, hao hao giống phong cách Ninja Gaiden: mạnh mẽ, tàn bạo và máu lửa!"
  • Việc đấu trùm cũng gây ức chế lẫn phấn khích không kém gì dòng game Souls: các con trùm từ mini tới trấn thủ màn đều to lớn, hung tợn với những cú đánh tất sát, tàn bạo mà nếu trúng đòn bạn chỉ có “từ chết cho tới hấp hối”!
  • Và nếu bạn “nghẻo” thì sao? Giống dòng game Souls, bạn phải đi lượm lại linh hồn của mình (được thần thú canh giữ). Nếu chẳng may tiêu lần nữa, coi như mất trắng công sức (điểm kinh nghiệm, đồ dùng, v.v.)!

“LOOT” ĐỒ MỌI LÚC, MỌI NƠI

  • Khi chơi một game hành động nhập vai chặt chém, điều người chơi thích nhất là lúc “tả xung hữu đột”, mỗi đối thủ ngã xuống, đồ dùng sẽ “phọt” ra như mưa! Sự phấn khích của Nioh còn ở chỗ mỗi lần đánh, dù chạm mặt cùng một đối thủ, thì đồ dùng rớt ra sẽ ngẫu nhiên, đủ thứ màu! Có đôi khi chỉ một tên lính quèn mà bạn sẽ lượm được đồ cực xịn!
  • Ẩn khuất đâu đó trong màn chơi là những rương đồ, các thần lùn may mắn (sưu tập đủ sẽ mang lại khả năng hỗ trợ nhất định như lượm bình máu nhiều hơn, rớt đồ xịn tốt hơn), hoặc thậm chí đánh vỡ các chum, thùng gỗ, v.v. cũng có đồ dùng bất ngờ!
"Sự phấn khích của Nioh còn ở chỗ mỗi lần đánh, dù chạm mặt cùng một đối thủ, thì đồ dùng rớt ra sẽ ngẫu nhiên, đủ thứ màu"

HỌC HỎI, ĐÀO SÂU

  • Tương tự dòng game Souls, người chơi thu lượm Amrita, linh hồn có được từ việc hạ các đối thủ hoặc “hiến tế” các món đồ dư thừa (nếu đồ “xịn” thì sẽ được thưởng ngẫu nhiên bình máu, đồ mài vũ khí, v.v.). Amrita dùng để nâng cấp các chỉ số nhân vật (sức mạnh, máu, v.v.), càng lên cấp cao thì số lượng Amrita dùng càng nhiều.
  • Ngoài ra, Nioh còn chia việc sử dụng binh khí theo các đường và cần có điểm kỹ năng để khai mở: kiếm, thương, búa, nhẫn thuật (ninjutsu) và phép thuật. Bên cạnh đó còn có bốn loại thần thú với các kỹ năng hỗ trợ khác nhau như Kato (tăng sức cận chiến, khả năng hồi Ki), Isonade (cảm nhận kẻ thù xung quanh, hồi máu khi cận chiến), Daiba-Washi (khả năng tránh né, tỉ lệ rớt đồ từ các quái vật bóng đêm – Yokai) và Raiken (tăng tỉ suất kiếm Amrita, kháng sét).
  • Việc nhận hỗ trợ và hỗ trợ trong Nioh cũng na ná dòng game Souls. Người chơi cần đến đền thờ (shrine) để triệu hồi/được triệu hồi và tác chiến cùng người chơi khác (ngẫu nhiên). Tuy nhiên, ở phiên bản trải nghiệm, việc chơi cùng bạn bè là điều bất khả thi vì không thể tùy chọn theo ý muốn. Đây cũng là tính năng được rất nhiều người chơi tham gia phiên thử nghiệm mong muốn ở bản chính thức.

"Nioh còn chia việc sử dụng binh khí theo các đường và cần có điểm kỹ năng để khai mở"

  • Trong Dark Souls III, người chơi có thể “xâm nhập” thế giới của người chơi khác để quấy rối (qua một vài hình thức), thì ở Nioh, rải rác khắp màn chơi là những “nấm mộ” của những tay chơi khác mà khi nhấn vào, họ sẽ xuất hiện và giao đấu với bạn. Chiến thắng sẽ mang lại các món đồ thú vị, còn thất bại? Bạn đã biết kết quả ra sao rồi đấy!

VƯỢT QUÁ MONG ĐỢI!

  • Theo lẽ thường, một phiên bản chơi thử (demo) thường chỉ có một màn ngắn. Với Nioh, đó là màn chơi “Isle of Demons”. Nhưng trò chơi đã gây sửng sốt cho người chơi khi.. tặng thưởng hậu hĩnh nếu bạn hoàn tất màn chơi thử: thêm một màn chơi khác “ác liệt” hơn – “The Terror of Dazaifu” và hào phóng “bo” thêm 1 DLC miễn phí khi bản game chính thức ra mắt: Mark of the Conqueror!!!

Quả thật, chưa bao giờ người viết thấy được sự rộng rãi và cảm giác thật thỏa mãn khi trải nghiệm một phiên bản demo như vậy!

Thông tin thanh toán
Hướng dẫn mua hàng

Đánh giá

Sản phẩm bán chạy